TÁN SỎI NGOÀI CƠ THỂ

I/ Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?

Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL: Extracorporeal Shockwave Lithotripsy) là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu ít xâm lấn, an toàn và thời gian nằm viện ngắn.

Nguyên lý tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng thiết bị tạo sóng xung kích tập trung vào viên sỏi và phá hủy viên sỏi này thành nhiều mảnh nhỏ, các mảnh vụn của sỏi sau đó được đào thải qua đường tiểu.

Tán sỏi ngoài cơ thể có hiệu quả rõ rệt đối với sỏi thận, Bệnh sỏi thận gây đau và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cơ thể cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, đồng thời cũng ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Nhưng đây lại là căn bệnh rất dễ mắc phải do thói quen ăn nhiều muối, ít uống nước và lười vận động.

tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL: Extracorporeal Shockwave Lithotripsy) là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu ít xâm lấn, an toàn và thời gian nằm viện ngắn.

II/ Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể trong những trường hợp nào?

  1. Trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định điều trị tán sỏi ngoài cơ thể nếu như kích thước sỏi phù hợp; độ cứng của sỏi; vị trí của sỏi (không bị cản trở bởi xương); phụ thuộc vào khả năng vỡ vụn sỏi. Việc chỉ định điều trị phụ thuộc vào:

Kích thước của viên sỏi

–  Sỏi < 0.5cm khi chưa có triệu chứng rõ thì chưa cần can thiệp, chỉ điều trị nội khoa

–  Sỏi < 2cm: phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

–  Sỏi > 2cm, cần cân nhắc tùy trường hợp cụ thể: Với những trường hợp sỏi lớn thì tán sỏi ngoài cơ thể thường ít hiệu quả; thường phải kết hợp tán sỏi ngoài cơ thể với lấy sỏi qua da hay nội soi lấy sỏi ngược dòng để tăng hiệu quả điều trị hết sỏi của phương pháp. Thông thường thì có thể tán sỏi ngoài cơ thể hỗ trợ trong trường hợp sót sỏi sau tán sỏi qua da.

Vị trí sỏi

–  Sỏi bể thận dễ vỡ nhất

–  Sỏi đài trên và đài giữa cho hiệu quả 75-80%, sỏi đài dưới chỉ 60%

–  Sỏi niệu quản tán phần trên dễ vỡ hơn phần dưới. Sỏi niệu quản đoạn chậu thì không tán ngoài cơ thể được, do vướng khung xương. Mặt khác vị trí sỏi niệu quản đoạn chậu thì phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng có nhiều ưu thế hơn.

Số lượng sỏi

–   Tán sỏi ngoài cơ thể phù hợp với trường hợp không quá 3 viên, tốt nhất là 1-2 viên

–  Trường hợp quá nhiều sỏi sẽ phải tán nhiều lần, tỉ lệ tai biến và biến chứng cũng tăng

Với trường hợp nhiều viên sỏi, khi tán sỏi ngoài cơ thể thì khả năng nhiều mảnh sỏi rơi xuống sẽ gây tắc nghẽn niệu quản. Khi đó bác sĩ có thể phải làm thêm phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi, đặt JJ cho bệnh nhân.

tán sỏi ngoài cơ thể
Tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng thiết bị tạo sóng xung kích tập trung vào viên sỏi và phá hủy viên sỏi này thành nhiều mảnh nhỏ, các mảnh vụn của sỏi sau đó được đào thải qua đường tiểu.
  1. Chống chỉ định của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

–  Phụ nữ có thai

–  Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn tiết niệu cấp tính

–  Bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn huyết

–  Bệnh nhân đang có rối loạn đông máu chưa được điều trị ổn định

–  Bệnh nhân đang có tắc nghẽn dưới viên sỏi: Hẹp niệu quản, dị dạng niệu quản…

–  Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng hay các bệnh toàn thân nặng khác

Một số trường hợp có chống chỉ định nhưng vẫn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể : dị dạng cột sống; thận lạc chỗ, thận móng ngựa, hẹp khúc nối niệu quản- bể thận; tăng huyết áp chưa được điều trị ổn định; trạng thái tinh thần không ổn định; thể trạng quá béo…

III/ Quy trình tán sỏi ngoài cơ thể được thực hiện như thế nào?

– Điều dưỡng viên sẽ đưa người bệnh vào phòng tán sỏi.

– Người bệnh nằm ngửa trên bàn tán sỏi, tinh thần thoải mái, thở đều để tránh sỏi di động theo nhịp thở.

– Bác sĩ bôi một lớp gel siêu âm lên vùng da phía mạng sườn tương ứng với vị trí tán sỏi.

– Điều dưỡng giúp người bệnh đeo tai nghe chống ồn để thoải mái hơn khi nghe tiếng “bụp” trong quá trình tán sỏi.

– Khi người bệnh ở tư thế thật sự thoải mái thì bác sĩ và điều dưỡng sẽ tiến hành thực hiện thủ thuật tán sỏi ngoài cơ thể cho người bệnh.

– Người bệnh sẽ được đặt đường truyền tĩnh mạch và tiêm thuốc giảm đau, thuốc chống chảy máu trước tán sỏi 30 phút.

tán sỏi ngoài cơ thể
Ưu điểm của Tán sỏi ngoài cơ thể

IV/  Những lưu ý trước, trong và sau điều trị tán sỏi ngoài cơ thể

– Bệnh nhân cần đến thăm khám định kì tại các cơ sở y tế uy tín hoặc khám ngay khi có dấu hiệu sớm của sỏi tiết niệu: đau thắt lưng, hông; rối loạn tiểu tiện- đái buốt, đái rắt, đái khó, đái máu…

– Bệnh nhân cần phối hợp điều trị và làm theo đúng chỉ dẫn của nhân viên y tế trước, trong và sau điều trị.

– Bệnh nhân cần được hướng dẫn tự theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng sau tán sỏi. Thông thường thì sau tán sỏi nước tiểu sẽ có màu hồng nhạt, có cặn vài lần trong ngày đầu sau tán.

– Đảm bảo chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lí để phòng ngừa tạo sỏi:

+ Uống đủ nước: Khoảng 2,5-3 lít nước / ngày

+ Hạn chế các yếu tố hình thành sỏi: khẩu phần ăn hạn chế thành phần calci, oxalat; hạn chế 1 số thuốc tăng lắng đọng Calci…

+ Tập luyện thể dục thể thao hợp lí.

+ Không nên nhịn tiểu lâu.

+ Khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm, triệt để nguyên nhân cũng như các bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu,…

Xem Thêm: Sỏi Tiết Niệu 

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0825.8888.90