Yêu cầu chung với bệnh phẩm phục vụ xét nghiệm lâm sàng

1. Bệnh phẩm máu

1.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm

– Bệnh phẩm máu được chỉ định làm các xét nghiệm hóa sinh và huyết học lâm sàng cần được lấy máu vào buổi sáng sớm khi bệnh nhân chưa ăn uống gì.
– Bệnh nhân nhịn đói và không dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia… 12 giờ trước khi lấy máu ( trừ những chỉ định đặc biệt thì thời gian nhịn đói có thể ngắn hơn ví dụ như bệnh nhân cấp cứu hoặc làm một số xét nghiệm có yêu cầu của bác sỹ )
– Bệnh nhân ngừng các hình thức tập luyện 24-48 h, ngủ ít nhất 7h và không dùng bất cứ thuốc gì trước khi lấy máu (kể cả vitamin và thuốc tránh thai).
– Bệnh phẩm máu được chỉ định làm xét nghiệm vi sinh lâm sàng nhằm tìm căn nguyên vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết. Vì vậy cấy máu phải được chỉ định khi bệnh nhân có một trong các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, lạnh run, tiếng thổi tim nghi ngờ viêm nội tâm mạc, có xuất huyết ở da hay niêm mạc, xuất huyết dạng sao trên móng tay, choáng. Phải cấy máu trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh hệ thống.

 

1.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm máu:

– Thông thường lấy máu tĩnh mạch, một số xét nghiệm thì có thể phải lấy máu mao mạch hoặc lấy máu đông mạch. Và tất cả các kỹ thuật lấy máu đều phải bằng phương pháp vô trùng (sát trùng da bằng cồn 70o hoặc cồn iod). Máu được đựng vào vào các tube khác nhau nhằm thu được huyết thanh, huyết tương hoặc máu toàn phần.
– Huyết thanh: thu được bằng cách để máu đông tự nhiên trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 giờ, ly tâm ở khoảng 3.000 vòng/phút trong 10 phút, phần dịch nổi (supernatant) phía trên là huyết thanh
– Huyết tương: thu được khi ức chế tạm thời hoặc ức chế vĩnh viễn ion Ca2+ trong máu bằng cách thêm vào máu chất chống đông là citrat hoặc các chất tạo phức (chelators) để tạo phức với ion Ca2+ như EDTA,  oxalat hoặc heparinat.
+ EDTA-K2và EDTA-K3 (tuýp nắp màu xanh hoặc tím) với nồng độ 1,5-2 mg/mL máu được sử dụng cho các xét nghiệm huyết học thông thường.
+ Heparin (dưới dạng các muối như amon, Li, Na, K – tuýp nắp màu đen ) được sử dụng theo tỷ lệ 25U/mL máu, hay 0,01-0,1 mL heparin/mL máu thường dùng cho các xét nghiệm hóa sinh thông thường.
+ Fluorid (muối Na) được sử dụng với nồng độ 2 mg/mL máu (tuýp màu xám). Fluorid có tác dụng ức chế cả sự đông máu và cả sự đường phân (glycolysis) nên thường được sử dụng để định lượng glucose máu.
+ Dung dịch Natri citrat (tuýp màu xanh lá cây) nồng độ 3,8% hoặc 0,11 mol/L được sử dụng cho các xét nghiệm đông máu với tỷ lệ 1 thể tích Natri citrat và 9 thể tích máu toàn phần hoặc được sử dụng để xét nghiệm tốc độ máu lắng với tỷ lệ 1 phần Na citrat và 4 thể tích máu toàn phần.
– Máu toàn phần: máu toàn phần có thể thu được bằng cách sử dụng các chất chống đông như đã nêu trên (không ly tâm).

 

– Lấy máu làm xét nghiệm theo đúng thứ tự được khuyến cáo như sau:

1. Bình cấy máu
2. Ống không chống đông
3. Ống Natri citrate
4. Ống có chứa Gel (lấy huyết thanh)
5. Ống Heparin
6. Ống EDTA (xét nghiệm huyết học)
7. Ống Oxalat.

– Đối với các xét nghiệm sinh học phân tử hoặc di truyền : tiến hành phản ứng PCR, Realtime PCR mà khuyến cáo lấy ống chống đông EDTA thì đề nghị lấy máu theo thứ tự sau:

1. Bình cấy máu
2. Ống không chống đông
3. Ống Natri citrate
4. Ống EDTA (xét nghiệm PCR, Realtime PCR )
5. Ống có chứa Gel (lấy huyết thanh)
6. Ống Heparin
7. Ống EDTA (xét nghiệm huyết học)
8. Ống Oxalat

– Đối với vi sinh lâm sàng : thì lấy máu tĩnh mạch để cấy máu với thể tích máu nên chiếm 1/10 thể tích môi trường canh thang (lấy 5ml máu cấy vào bình chứa 50ml canh thang). Với bệnh nhân là trẻ nhỏ, lấy khoảng 2 đến 3 ml máu để cấy. Ngoài ra, một số hệ thống cấy máu tự động có chai cấy máu tiêu chuẩn có các vạch ấn định số lượng máu cần lấy cho phù hợp.

 

2. Bệnh phẩm dịch não tủy

2.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm

– Bệnh phẩm dịch não tủy là một trong những bệnh phẩm cần thời gian xét nghiệm nhanh để trả kết quả cho bệnh nhân.Vì vậy khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ viêm màng não nên được chỉ định chọc dịch não tủy làm xét nghiệm càng sớm càng tốt.
– Lưu ý không nên chỉ định với những bệnh nhân có dấu hiệu gia tăng áp lực nội sọ. Dấu hiệu này được đánh giá qua soi đáy mắt thấy gai thị bị phù nề. Chỉ định cấy dịch não tủy nên được đưa ra càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán lâm sàng và trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân.

 

2.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm dịch não tủy

– Bệnh phẩm dịch não tủy phải do bác sỹ chuyên khoa trực tiếp chọc dò trong điều kiện vô trùng.
– Thể tích dịch não tủy chọc dò tốt nhất là từ 5-10ml và được chia vào 2 tube thủy tinh vô trùng có nút bông chống thấm nước, hoặc 2 lọ vô trùng có nắp chặt rồi gửi ngay đến phòng xét nghiệm. Một tube làm xét nghiệm vi sinh, tube còn lại làm xét nghiệm hóa sinh và xét nghiệm tế bào.
– Khi nhận bệnh phẩm dịch não tủy, ngoài thể tích bệnh phẩm, người kỹ thuật viên phải chú ý quan sát màu sắc dịch. Nếu dịch bị lẫn ít máu là do quá trình chọc dò bị chạm vào mạch máu. Trừ trường hợp lẫn nhiều máu làm dịch có màu đỏ là do bệnh lý của bệnh nhân (xuất huyết não…).
– Dịch não tuỷ để phân tích hoá sinh lâm sàng phải được sử lý với EDTA để ngăn ngừa sự hình thành cục đông fibrin, tránh cho việc làm sai lạc số lượng tế bào đếm được.

 

3. Bệnh phẩm dịch ngoáy họng

3.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm:

– Dịch ngoáy họng được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng: đau, rát vùng họng. Khám thấy niêm mạc họng sưng đỏ, phù nề, viêm amidan, có màng mủ hay màng giả, phù nề lưỡi, sưng hạch cổ…
– Phải lấy trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân.

 

3.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm dịch ngoáy họng:

– Việc lấy bệnh phẩm dịch ngoáy họng nên được thực hiện trực tiếp bởi kỹ thuật viên xét nghiệm và được xử lý ngay.
– Trong trường hợp điều dưỡng viên lấy bệnh phẩm, cần chuyển ngay đến khoa xét nghiệm, không được để tăm bông ngoáy họng bị khô trước khi chuyển đến khoa xét nghiệm. Nếu việc vận chuyển chậm trễ hơn 4 giờ thì phải cho tăm bông vào môi trường chuyên chở Stuart-Amies.

 

4. Bệnh phẩm đờm

4.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm:

– Nên chỉ định lấy mẫu đờm trong các trường hợp bệnh nhân có một trong các triệu chứng sau: ho có máu hay ho nhiều, đau ngực, khó thở, có dấu hiệu đặc phổi như có ran âm và rít, giảm tiếng rì rào phế nang, gõ đục khi khám phổi, phim phổi có thâm nhiễm, có nang, có mủ…
– Bệnh phẩm được lấy ở giai đoạn càng sớm càng tốt, nên lấy mẫu ngay sau khi có chuẩn đoán lâm sàng.
– Nên lấy mẫu trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân.

 

4.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm đờm

– Trước khi nhận, người kỹ thuật viên phải kiểm tra xem trong bệnh phẩm có đờm hay không. Nếu chỉ toàn nước bọt, phải yêu cầu lấy lại bệnh phẩm ngay.
– Bệnh phẩm đờm phải có dịch đặc, quánh, trắng đục có thể có màu vàng hoặc xanh nhạt, đôi khi có lẫn máu tùy bệnh lý của bệnh nhân. Nếu chỉ chứa dịch nhớt trong, không màu và lẫn nhiều bọt cần yêu cầu lấy lại bệnh phẩm.

 

5. Bệnh phẩm mủ (mủ áp xe, vết thương nhiễm trùng, nạo mủ xương, mủ ở đường sinh dục…)

5.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm

– Các trường hợp có mủ như mủ áp xe, vết thương nhiễm trùng, bao gồm các vết loét, lở, mổ hậu phẫu, loét do nằm lâu, các mẫu nạo mủ xương khi giải phẫu… đều phải được chỉ định cấy mủ tìm căn nguyên gây bệnh.
– Bệnh phẩm mủ với tổ chức mủ kín cần được chọc hút rồi cho vào eppendorf hoặc tube/lọ vô trùng có nắp vặn chặt, hay để nguyên trong ống kim hút mủ.
– Với các tổ chức mủ hở (vết thương nhiễm trùng…), cần rửa ổ mủ bằng nước muối sinh lý vô trùng và sát trùng các vùng da lành xung quanh bằng cồn 70% sau đó có thể lấy tăm bông lấy bệnh phẩm ở đáy tổn thương rồi cho vào môi trường chuyên chở Stuart-Amies.
– Bệnh phẩm mủ sau khi lấy cần được gửi ngay đến phòng xét nghiệm.

 

5.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm mủ

– Đối với bệnh phẩm mủ đựng trong tube hay lọ phải còn nguyên nắp đậy.
– Đối với bệnh phẩm mủ lấy bằng tăm bông phải còn nguyên bệnh phẩm, không được để khô.

 

6. Bệnh phẩm nước tiểu

6.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm

– Bệnh phẩm nước tiểu dùng để xét nghiệm hóa sinh có thể lấy nước tiểu vào buổi sáng hoặc lấy nước tiểu 24 giờ.
– Đối với vi sinh nên lấy vào buổi sáng, trong đêm bệnh nhân cố nhịn tiểu cho đến khi lấy mẫu.
– Chỉ định cấy nước tiểu đối với các bệnh nhân có một trong các triệu chứng nghi ngờ nhiễm trùng bàng quang như: đái ra mủ, đái khó, đái ra máu, đái đau, đau tức vùng trên xương mu hay bụng dưới; hay nhiễm trùng thận: như đau lưng, tức cằng vùng góc sống- sườn.

 

6.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm nước tiểu

– Nước tiểu nên được lấy vào các lọ vô trùng có nắp đậy hoặc nút bông không thấm nước. Đối với nước tiểu 24 giờ phải có dung dịch chống thối.
– Nước tiểu sau khi lấy xong phải được gửi đến phòng xét nghiệm ngay. Nếu chậm trễ, có thể giữ lạnh ở 40C nhưng không được 2 giờ.

 

7. Bệnh phẩm phân

7.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm

– Chỉ định cấy phân khi bệnh nhân bị tiêu chảy hay bị các rối loạn tiêu hóa nghi do bị nhiễm trùng tiêu hóa
– Nên chỉ định cấy phân nếu bệnh nhân có các triệu chứng như: tiêu chảy, lỵ với phân có mủ, nhầy hay máu, bị cơn đau bụng.
– Nên lấy phân vào giai đoạn sớm, càng sớm càng tốt.
– Lấy phân xét nghiệm trước khi bệnh nhân sử dụng kháng sinh

 

7.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm phân

– Bệnh phẩm phân thường dùng trong xét nghiệm Vi sinh và Kí sinh trùng. Xét nghiệm Vi sinh chủ yếu là nhuộm soi, test nhanh và cấy phân. Xét nghiệm Kí sinh trùng chủ yếu là xét nghiệm soi tươi, phân phong phú, phân trực tiếp.
– Có thể lấy phân tươi, tốt nhất là vùng có nhầy máu mũi, cho vào lọ sạch, rộng miệng, không chứa chất sát khuẩn, hóa chất ức chế/tiêu diệt vi khuẩn. Phân tươi phải được cấy trong vòng không quá 2 giờ sau khi lấy mẫu.
– Nếu không thể mang ngay đến phòng xét nghiệm thì cần cho vào môi trường chuyên chở Cary-Blair và có thể giữ được trong khoảng 48 giờ. Trong trường hợp nghi tả, mẫu phân có thể được cho vào môi trường pepton kiềm để vừa tăng sinh, vừa chuyên chở đến phòng thí nghiệm.
– Có thể lấy mẫu phân bằng tăm bông trực tràng rồi cho vào môi trường chuyên chở. Cũng có thể không cần dùng môi trường chuyên chở nếu mẫu tăm bông lấy phân được nuôi cấy trong vòng 30 phút sau khi lấy mẫu.

 

8. Bệnh phẩm dịch (dịch rửa phế quản, dịch màng phổi, dịch màng bụng…)

8.1. Thời điểm lấy bệnh phẩm

– Khi bệnh nhân sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân, có triệu chứng nhiễm trùng hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc (kiểm tra công thức máu có bạch cầu tăng cao…) và thăm khám thấy có dịch ở khoang màng phổi, khoang màng bụng…
– Chọc hút dịch trước khi bệnh nhân dùng kháng sinh toàn thân.

 

8.2. Yêu cầu đối với bệnh phẩm dịch (dịch rửa phế quản, dịch màng phổi, dịch màng bụng)

– Bệnh phẩm dịch phải do bác sỹ chuyên khoa trực tiếp chọc dò trong điều kiện vô trùng.
– Thể tích dịch chọc dò tốt nhất là từ 3-5ml và được cho vào tube thủy tinh vô trùng có nút bông chống thấm nước, hoặc lọ vô trùng có nắp chặt, ghi rõ loại dịch rồi gửi ngay đến phòng xét nghiệm.
Trên đây mình đã trình bày yêu cầu chung cho 8 loại bệnh phẩm khác nhau trong xét nghiệm lâm sàng. Đây chỉ là các yêu cầu chung nhất, tuy nhiên với mỗi loại xét nghiệm cụ thể khác nhau nhiều khi còn đòi hỏi thêm các yêu cầu sâu hơn. Ở các bài viết sau mình sẽ hướng dẫn cụ thể cách lấy bệnh phẩm cho các xét nghiệm đặc biệt khác.
Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0825.8888.90