Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mỡ máu

Xét nghiệm đường máu hay glucose máu là một xét nghiệm cơ bản dùng để đánh giá tình trạng rối loạn chuyển hóa glucid (hay cụ thể là glucose). Ngoài ra xét nghiệm còn dùng để theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường. Đây là một xét nghiệm cơ bản có thể thực hiện được tại gần như tất cả các phòng xét nghiệm, thậm chí xét nghiệm còn được thực hiện tại nhà do chính bệnh nhân thực hiện bằng các máy đo đường huyết cầm tay hoặc giấy thử.
Nhưng việc thực hiện tại các phòng xét nghiệm với hệ thống máy sinh hóa luôn cho kết quả tin tưởng hơn cả. Tại các phòng xét nghiệm y tế xét nghiệm glucose máu sẽ được tiến hành trên hệ thống máy sinh hóa bán tự động hoặc tự động hoàn toàn với hóa chất xét nghiệm chuyên biệt. Mặc dù vậy vẫn còn những yếu tố làm ảnh hưởng dẫn đến sai số kết quả xét nghiệm glucose máu này. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng nhưng mình thấy có 9 yếu tố chính làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm này. Hôm nay mình xin nêu 9 yếu tố này để các bạn tham khảo:

1. Bệnh nhân không được chuẩn bị để lấy máu xét nghiệm.

Không được chuẩn bị ở đây là gì? Đó chính là việc bệnh nhân không nhịn ăn và dừng dùng thuốc trước khi lấy máu. Có rất nhiều bệnh nhân khi cầm chỉ định của bác sĩ đi lấy máu mới nói với nhân viên lấy máu là tôi đã ăn rồi thì có làm xét nghiệm được không? Theo yêu cầu thì bệnh nhân phải nhịn ăn hoàn toàn ít nhất 8h trước khi lấy máu. Nếu bệnh nhân đã ăn thì lượng đường máu sẽ tăng. Tùy thuộc vào thời gian từ khi ăn đến khi lấy máu và lượng thức ăn mà sẽ làm lượng đường máu tăng lên nhiều hay ít. Ngoài ra với các bệnh nhân tiểu đường cũng cần dừng thuốc trước khi lấy máu. Thường thì lấy máu và buổi sáng, bệnh nhân sẽ chỉ dùng thuốc trở lại sau khi lấy máu xét nghiệm xong.

2. Mẫu máu bị vỡ hồng cầu sẽ làm thay đổi kết quả xét nghiệm.

Vì mộ lý do nào đó trong quá trình lấy máu hay bảo quản làm vỡ hồng cầu thì sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Khi vỡ hồng cầu, các men trong hồng cầu được giải phóng và nó sẽ sử dụng glucose rất nhanh làm nồng độ glucose máu giảm đi.

3. Lượng bệnh phẩm không đủ.

Khi lượng bệnh phẩm không đủ dẫn đến tỉ lệ chống đông bị sai, tăng nồng độ chất chống đông hoặc máu bị pha loãng, khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả. Đặc biệt với loại chống đông Natri fluoride khi lượng máu không đủ làm tăng nồng độ của chống đông sẽ dẫn đến phản ứng cảu xét nghiệm bị ảnh hưởng.

4. Bảo quản không đúng.

Sau khi lấy máu mẫu máu cần được ly tâm tách huyết thương (hoặc huyết thanh) ngay để làm xét nghiệm. Vì khi để lâu hồng cầu sẽ sử dụng glucose làm giảm nồng độ glucose với tốc độ khoảng 3-5% sau mỗi giờ ở nhiệt độ phòng. Hiện nay để tránh sự giảm này người ta sử dụng chống đông là Natri Fluoride để Fluoride ức chế men enolase trong chu trình đường phân, bảo quản lượng glucose trong máu ổn định đến 48 giờ ở 4 độ C.

5. Ảnh hưởng của thể tích khối hồng cầu.

Qua các nghiên cứu người ta thấy thể tích khối hồng cầu (hematocrit) ảnh hưởng đến kết quả định lượng glucose máu. Cụ thể khi giá trị hematocrit > 55% sẽ gây giảm kết quả, ngược lại khi hematocrit < 35% sẽ gây tăng kết quả nồng độ glucose máu.

6. Lượng Oxy trong máu.

Người ta thấy khi hàm lượng oxy thấp (Vd: máu tĩnh mạch, bệnh nhân sống ở độ cao > 3000m so với mực nước biển) sẽ cho kết quả tăng giả tạo.

7. Trạng thái của bệnh nhân.

Sau khi bệnh nhân gắng sức quá mức, xúc cảm mạnh, tình trạng sốc, bỏng và nhiễm trùng có thể làm tăng nồng độ glucose máu một cách sinh lý. Lý do ở đây có thể do trong các tình trạng này quá trình chuyển hóa tăng lên, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn làm glucose được đẩy vào máu nhiều hơn. Đồng thời một số hormon tăng lên kéo theo lượng glucose máu tăng.

8. Một số thuốc làm tăng nồng độ glucose máu.

Các thuốc có thê làm tăng nồng độ glucose máu lúc đói là: Thuốc điều trị tâm thần, azathioprin, basiliximab, thuốc chẹn bêta giao cảm, bicalutamid, corticosteroid, diazoxid, adrenalin, estrogen, furosemid, gemfibrozil, isoniazid, levothyroxin, lithium, niacin, thuốc ức chế protease, thiazid.

9. Một số thuốc làm giảm nồng độ glucose máu.

Các thuốc có thể làm giảm nồng độ glucose máu lúc đói là: Acetaminophen, basiliximab, carvediol, desipramin, ethanol, gemfibrozil, thuốc viên hạ đường huyết, insulin, thuốc ức chế MAO, phenothiazin, risperidon, theophyllin.
Trên đây là 9 yếu tố góp phần làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm glucose máu ngoài các tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Vì vậy hiện nay để chẩn đoán đái tháo đường (là một trong các rối loạn chuyển hóa glucid) các bác sĩ không dựa trên đơn thuần xét nghiệm glucose máu mà phải kết hợp với các xét nghiệm khác như nghiệm pháp dung nạp đường huyết, xét nghiệm HbA1C, đường niệu, định lượng Insulin và fructosamin máu.  Có thể còn nhiều các nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến xét nghiệm này, nên mình mong các bạn góp ý thêm.
Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0825.8888.90