Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học
Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập. Vấn đề chất lượng Xét nghiệm y học ngày càng được quan tâm. Trong một tương lai rất gần, các phòng xét nghiệm muốn tồn tại và phát triển được thì vấn đề đầu tiên là cần đảm bảo chất lượng. Tiếp theo các Quy định nhằm đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Mới đây, ngày 12 tháng 6 năm 2017 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2429/QĐ-BYT về Ban hành bộ “Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm Y học” tại các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ tiêu chí là công cụ để các phòng xét nghiệm tự đánh giá và cơ quan nhà nước thực hiện kiểm tra giám sát, đánh giá công bố mức chất lượng phòng xét nghiệm từ đó làm căn cứ cho việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm. Nhằm giúp các PXN hiểu hơn về bộ tiêu chí này, chúng tôi xin chia sẻ một số nội dung cơ bản của bộ tiêu chí này.
1. Mục đích của bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm Y học là gì?
Bộ tiêu chí ra đời với mục đích cung cấp bộ công cụ để các phòng xét nghiệm (PXN) tự đánh giá và công bố mức chất lượng của mình. Đồng thời là công cụ để các cơ quan quản lý nhà nước (như thanh tra sở Y tế) sử dụng làm căn cứ để kiểm tra, giám sát các PXN. Từ đó giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng PXN, làm căn cứ để tiến hành liên thông kết quả xét nghiệm giữa các PXN với nhau.
2. Đối tượng nào phải áp dụng bộ tiêu chí này?
Tất cả các PXN thuộc nhà nước hoặc tư nhân đều phải áp dụng. Tức là từ phòng khám nhỏ đến bệnh viện lớn, nếu có phòng xét nghiệm trong đó thì phải áp dụng và tuân thủ theo bộ tiêu chí này.
3. Ai thực hiện việc đánh giá áp dụng bộ tiêu chí này?
Có 2 đối tượng thực hiện việc đánh giá theo bộ tiêu chí này gồm:
- Tự các phòng xét nghiệm đánh giá chất lượng của mình.
- Cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, sở Y tế… sử dụng làm thước đo để đánh giá các PXN thuộc phạm vi quản lý của mình.
4. Những nội dung chính của bộ Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm Y học là gì?
Bộ tiêu chí gồm 12 chương với 169 tiêu chí và số điểm tương ứng là 268 điểm. 12 chương gồm có:
- Tổ chức và quản lý PXN: 15 tiêu chí
- Tài liệu và hồ sơ: 8 tiêu chí
- Quản lý nhân sự: 17 tiêu chí
- Dịch vụ và quản lý khách hàng: 10 tiêu chí
- Quản lý trang thiết bị: 19 tiêu chí
- Đánh giá nội bộ: 9 tiêu chí
- Quản lý mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm: 17 tiêu chí
- Quản lý quá trình xét nghiệm: 27 tiêu chí
- Quản lý thông tin: 6 tiêu chí
- Xác định sự không phù hợp, hành động khắc phục phòng ngừa: 6 tiêu chí
- Cải tiến liên tục: 8 tiêu chí
- Cơ sở vật chất và an toàn: 27 tiêu chí
5. Phương pháp đánh giá là gì
Việc đánh giá dựa trên thang điểm của mỗi tiêu chí. Mỗi tiêu chí có một thang điểm tối đa cụ thể. Tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của PXN mà đạt số điểm tối đa, 1/2 số điểm tối đa hoặc 0 điểm. Sau đó công tổng số điểm đạt được chia cho tổng điểm tối đa (268 điểm) để ra tỉ lệ % số điểm PXN đạt được.
6. Có những mức độ chất lượng nào theo bộ tiêu chí này.
Có 6 mức độ bao gồm:
- Chưa xếp mức: khi đạt <20% tổng số điểm
- Mức 1: Từ 20 đến dưới 35% tổng số điểm
- Mức 2: Từ 35 đến dưới 65% tổng số điểm
- Mức 3: 65 đến dưới 85% tổng số điểm
- Mức 4: 89 đến dưới 95% tổng số điểm
- Mức 5: > 95% tổng số điểm
Tùy thuộc vào các mức độ đạt được mà đoàn đánh giá sẽ có các kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp cho cơ quan Quản lý nhà nước về quản lý hoạt động của PXN đó. Nặng nhất có thể kiến nghị tạm dừng hoạt động của PXN để khắc phục.
7. Thời điểm áp dụng bộ tiêu chí này?
Bộ tiêu chí sẽ được áp dụng thí điểm trong năm 2017-2018, sau đó sẽ triển khai áp dụng bắt buộc.